Công nghiệp Bình Dương về đích trước kế hoạch
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Bình Dương xây dựng thành phố thông minh (TPTM) với mô hình “ba nhà” (Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp) nhằm hình thành một cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người dân để thu hút các dự án thông minh trên toàn cầu. Thông qua cách làm này sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tổng lực, đột phá và mang lại lợi ích hài hòa cho các bên trong quá trình phát triển; tạo tiền đề để Bình Dương hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thế và lực mới
Ông Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế châu Á (Horasis), cho biết việc xây dựng TPTM là hướng đi cần thiết và Bình Dương đang có một khởi đầu tốt khi đã trở thành thành viên của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), cũng như đã và đang tích cực hợp tác với thành phố Eindhoven của Hà Lan.
Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) giúp Bình Dương phát triển các vùng, khu vực ít phát triển, tăng cường hợp tác song phương, đa phương thông qua các hoạt động trao đổi và hợp tác giữa các thành phố khoa học trên thế giới. Tham gia hiệp hội sẽ đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung thông qua các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng TPTM Bình Dương. “Với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh nhằm xây dựng TPTM sẽ giúp đưa Bình Dương đến nhiều hơn với các nhà đầu tư toàn cầu. Bình Dương đang có tâm thế tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Frank-Jürgen Richter nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, thời gian qua Đề án TPTM Bình Dương đã gặt hái được những kết quả mang tính nền tảng. Cụ thể, các đơn vị trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều ý tưởng mới, dự án cụ thể, hiệu quả thiết thực với quy mô khác nhau. Tỉnh đang hình thành cơ chế phối hợp “ba nhà” linh hoạt, minh bạch, hoạt động ngày càng hiệu quả, không những ở quy mô tổng thể mà cả ở phương thức vận hành các dự án cụ thể.
Bình Dương đang có lợi thế lớn là các công ty chủ yếu hoạt động trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đang chỉ đạo các ngành phối hợp thúc đẩy xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và cổng thông tin về chuỗi cung ứng trong khu vực; xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, khu công nghiệp hhoa học – công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp với mô hình quốc tế. Tỉnh cũng sẽ hướng tới một hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài công nghệ cao.
Điểm đến của các nhà đầu tư
Với chủ trương, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, linh hoạt, hấp dẫn cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ, trong những năm qua Bình Dương là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài. Trong phát triển công nghiệp, tỉnh chọn khâu đột phá là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa.
Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội. Nhờ vậy, tỉnh đã tạo được quỹ đất sạch rộng lớn để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 29 KCN, trong đó nhiều KCN như Việt Nam – Singapore, Mỹ Phước, Sóng Thần… đã trở thành thương hiệu, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.
Với hơn 140 doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, Bình Dương hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nhà đầu tư Nhật Bản. “Nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được cải thiện, Bình Dương là sự lựa chọn hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản khi đến Việt Nam đầu tư”, ông Hideyuki Okada, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, nói.
Theo Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua doanh nghiệp Nhật Bản đến làm ăn tại Bình Dương không chỉ gia tăng về số lượng mà còn nâng cao về quy mô đầu tư. Hiện Nhật Bản đầu tư gần 300 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5,2 tỷ USD. Có thể kể đến một số dự án đầu tư nổi bật của Nhật Bản tại Bình Dương như Dự án kinh doanh bất động sản khu đô thị Tokyu Bình Dương của Tập đoàn Tokyu với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Dự án sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics với tổng vốn 450 triệu USD…
Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc điều hành Công ty Tetra Pak đầu tư nhà máy 120 triệu Euro tại KCN Việt Nam – Singapore II, chia sẻ trước đây khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại châu Á tập đoàn đã chọn Bình Dương vì nơi đây đáp ứng các tiêu chí của tập đoàn. Cụ thể là Bình Dương có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, lực lượng lao động dồi dào, quan trọng hơn là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh…
“Khoản đầu tư 120 triệu Euro xây dựng nhà máy tại Bình Dương là minh chứng mạnh mẽ cho cam kết đầu tư lâu dài của chúng tôi đối với địa phương. Nhà máy tại Bình Dương là cơ sở sản xuất hiện đại nhất của chúng tôi. Nhà máy được thừa hưởng những công nghệ từ hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất toàn cầu, với Chứng nhận Vàng Phiên bản 4 LEED được công nhận trên toàn cầu”, ông Jeffrey Fielkow cho biết.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định việc Bình Dương phát triển để trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư không chỉ xuất phát từ sự kế thừa hay điều kiện tự nhiên. Để xây dựng một Bình Dương như hôm nay chính là nhờ tầm nhìn dài hạn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, cùng với sự đầu tư mang tính hiệu quả, bền vững của tỉnh.
Theo baobinhduong